Trong lúc nhiều bạn bè dành thời gian nghỉ hè để đi làm thêm, hay về nhà đỡ đần cha mẹ ở quê thì có một bộ phận sinh viên dành kì nghỉ đó chỉ riêng cho mình. Cờ bạc, game o*nline, đi chơi tụ tập bạn bè để thỏa mãn thú tiêu khiển của họ. Hết tiền tiêu thì họ lại gọi điện, nã về cho bố mẹ.
"Sổ lồng"
Vừa về nhà được vài hôm, Thái (Đại học Thủy Lợi) đã phải thoát thân lên Hà Nội với lí do ở quê không học được gì và lên Hà Nội để học thêm Anh văn.
Thái biện minh: "Không nói dối thì làm sao mà lấy được tiền của các cụ. Mình chỉ cần xin tiền đi học thôi là bố mẹ cho hết". Theo Thái, cứ xin tiền học ở nhà thầy cô trong trường là bố mẹ "êm ru" ngay.
Thái hiểu rõ: bố mẹ không có số điện thoại của giáo viên trong trường nên muốn tìm hiểu cũng không được và cậu nói gì bố mẹ cũng nghe. Một khóa ”học chuyên" môn ngót nghét 1 triệu, cộng thêm chi phí ở hè. Bố mẹ Thái vẫn cố gắng cung phụng cho cậu "Kỹ sư"ngành Cơ khí trong tương lai mặc dù tiền lương giáo viên cấp 1 của cả hai cộng lại chẳng nhiều nhặn gì.

Mát xa "sung sướng" luôn thu hút sinh viên
Lên Hà Nội, Thái lao ngay vào quán trà đá cạnh trường và tụ tập hội lô đề. Nhóm của Thái có hơn chục cậu thì cậu nào cũng đam mê trò "đỏ đen". Vừa mới kết thúc học kỳ, các cậu đều hẹn nhau lên thủ đô sớm vì mình ở nhà bố mẹ quản chặt quá, lại không có bạn bè để tụ tập ăn chơi. Theo họ lên Hà Nội là được "sổ lồng" tung cánh tự do ăn chơi sau những ngày ép xác học hành.
Thái thở dài: "Ở nhà chán lắm, bố mẹ toàn bắt dậy sớm, không cho chơi game khuya. Mình quen ở trên này rồi thì làm sao mà chịu được". Nhóm bạn của Thái chơi mệt rồi lại quay ra ngủ, hoặc tụ tập thêm nhiều hội bạn ở các phòng khác đi nhậu nhẹt qua đêm.
Quanh trường mà Thái theo học luôn sẵn các quán bia cỏ chỉ phục vụ cho những đội sinh viên "bình dân". Dăm ba quả xoài xanh, ốc, mực… là đủ một bữa nhậu "tới bến" cho các cậu trò. Nếu chơi bài trong phòng thì họ mua hẳn đồ nhậu ngay tại trận. Nhóm nào thắng bạc thì lại ăn mừng ở các sàn Karaoke, thậm chí có nhiều hôm nhóm Thái vẫn đi ca 3 vào các nhà hàng tẩm quất trong Phố Vọng.
Quê Quảng Bình, mỗi năm chỉ về đôi lần nhưng hè năm nay nhất định Tùng (trường ĐHBKHN) chỉ về đôi ba ngày. Tùng bảo: "Về lại bị bố mẹ giam lỏng ở nhà. Sáng dậy sớm, trưa nấu cơm cho mẹ đi chợ. Chiều lại bị bố bắt đi tập thể hình".
Mặc cho mẹ khóc ròng, Tùng vẫn nhất quyết xin tiền mẹ ra Hà Nội "học hè". Tiền học tiếng Anh mẹ cho, Tùng "đầu tư" vào xới bạc cùng các đàn anh trong KTX ĐH Bách Khoa (Hà Nội), hoặc đi nhậu nhẹt với đám bạn cùng lớp.
Tùng truyền kinh nghiệm: "Cứ nằn nì nỉ non như sau: dân Hà Nội học tiếng Anh tốt lắm, nên muốn theo kịp tiếng Anh các bạn thì phải đầu tư khóa học mấy triệu cho xịn thì mới cạnh tranh được với họ". Tùng bảo: "Nói như vậy là ”ông bô” tin ngay, vì ông cụ cũng đang khổ sở khoản tiếng Anh để ôn thi lên Thạc sĩ cho bằng người. Thế nên ông cụ mới đồng ý cho mình đi". Kinh nghiệm của Tùng được hội bạn trong phòng hưởng ứng và trình độ xin học bổng "Bu - Ta - Chi" của Tùng ngày càng lên cao.
Bố mẹ làm ruộng, nhà lại neo người nhưng Hải (trường ĐHXD Hà Nội) vẫn bắt bố mẹ phải gửi tiền lên cho cậu đi ăn chơi "hát lượn" với bạn bè. Kỳ nghỉ hè đầu tiên, Hải dành hẳn cho việc tụ tập bạn bè đi chơi xa, đi du lịch bụi và chát chít, game hàng đêm dài. Hải bộc bạch: "Về nhà giờ này chán lắm, suốt ngày đi làm tối về lại không được o*nline, không được chơi game. Bố mẹ thì hơi tí là mắng, mà ngủ cũng phải theo sự giám sát của các cụ".
Bố mẹ chỉ mong Hải về đỡ đần nhưng cậu cáo bận vì "mắc học". Mấy người bạn cùng xóm trọ của Hải kể: "Nhà thằng này nghèo nhưng "đú" lắm. Bố mẹ thì vật mặt với mấy sào ruộng nhưng nó vẫn nhởn nhơ trên này". Chiêu của Hải là lấy lí do học lớp cảm tình Đảng hơn hai tháng và bố mẹ Hải tin lời đi vay tiền trong niềm tự hào về cậu con trai…
Quán xá quá tải vì "xả giàn"
Tuy là nghỉ hè, nhưng các quán xá quanh các trường ĐH tại Hà Nội như: Bách Khoa, Xây Dựng, Kinh Tế Quốc dân, Kiến trúc… vẫn không lo ế hàng. Những quán quen của sinh viên ở Triều Khúc, Phùng Khoang (Hà Đông) ngày hè hoạt động còn rôm rả hơn ngày thường.
Bà Oanh - chủ quán bia cỏ trên đường Tạ Quang Bửu - cho biết: "Quán của tớ vẫn hoạt động như bình thường. Mùa hè đóng cửa muộn vì sinh viên đến đông và ngồi lai rai lâu quá".

Nhậu nhẹt, thú tiêu khiển của sinh viên khi nghỉ hè.
Đường Lê Thanh Nghị (giao điểm giữa ba trường Đại học - Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân và Đại học Xây dựng HN) lâu nay đã thành "thiên đường" của thế giới game o*nline. Nhiều quán dành cho khách Vip còn trang bị điều hòa - máy lạnh và ghế da.
Chỉ khoảng 300m, nhưng ngõ Cột Cờ (đường Lê Thanh Nghị) đã ken dày hơn 30 quán game. Quán lúc nào cũng kín khách. Đến hè, tất cả các quán đều quá tải, các "tín đồ" game o*nline nhiều khi còn phải xếp hàng chờ…
Ông Đinh Ngọc Lâm, chủ quán game Long Gô cho biết: "Hè mới nhiều khách chứ! Nếu đi học thì tụi sinh viên nghỉ chơi, tới khi nghỉ học tụi nó mới chơi nhiều. Hè này máy tính nhà tôi hoạt động hết công suất".
Quán game chưa đủ phục vụ, nhiều siêu thị game đồng loạt "kích cầu". Nhiều chủ quán cho biết: phải tranh thủ hè để kiếm thêm vì vào năm học là họ mất khách. Nguyên nhân là sinh viên khối kĩ thuật không có thời gian chơi.
Mạnh Linh, SV trường Trung cấp Ngân Hàng thật thà: "Em ngủ dậy mà không biết trời là buối chiều hay buổi sáng. Chuyện chơi không biết ngày giờ là chuyện thường của các game thủ rồi mà. Mùa hè thì bọn em càng có nhiều thời gian hơn".
Nguyễn Đăng Phương - cựu SV ĐHBK - kể : “Ngày anh còn đi học, toàn trốn bố mẹ hè ở lại chơi game. Thế mà vừa sáng sớm ra đã hết ghế tại nhiều thằng ngồi từ đêm hôm qua”.
Chị Mai - ở số nhà 35, ngõ Cột Cờ - cho hay: "Nhiều cậu vừa chơi game, vừa nghe điện thoại của bố mẹ. Đang ngồi ở quán điện tử mà các cậu dám kêu đang ngồi ở lớp học".
Chuyện phụ huynh hè phải lên tìm con cũng được hội game bàn tán rôm rả khi trà đá, hay ngồi đợi máy. Trong một quán game ở Nhổn, bác Lại Thị Lụa - Hưng Yên - tay xách nách mang tìm cậu con trai đang học trường ĐH Công nghiệp.
Khuôn mặt phờ phạc, bác Lụa than: “Nghe bà chủ nhà gọi điện bảo nó không nộp tiền nhà, mà cũng không thấy nó ở nhà, tôi hoảng quá lên trên này ngay. Nhà có độc đinh thằng con trai, rõ khổ, chỉ giỏi game thôi”.
Tiếc công nuôi con, vì bao nhiêu tiền của đều đổ vào việc học của con, bác cứ ngồi ở quán game vạ vật mấy ngày liên tục. Để lên Hà Nội tìm con bác Lụa đã phải bán thóc, bán rau cỏ, bỏ cả việc làm cỏ lúa ở quê vì xót ruột vì con bơ vơ không nhà cửa, lại không có người chăm lo chăm sóc.
Nhiều chủ hàng game ái ngại, đành chỉ cho bác chỗ cậu con đang "cắm rễ". Đưa được con trai về mà đôi mắt bác Lụa nặng trĩu: "Khéo hè nào tôi cũng bắt nó ra đồng làm việc chứ không chiều chuộng cho ở nhà rồi hư thân. Nó mà đòi lên Hà Nội là kiên quyết không cho, vì nghe người ta bảo hè ở Đại học không phải học thêm".
Sưu tầm