Các chuyên gia đánh giá trong đợt bùng phát "đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng", tình hình tại Việt Nam đang rất phức tạp.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) là cơ sở y tế quan trọng của cả nước và được xem như "thành trì" điều trị bệnh nhân Covid-19 từ đầu dịch.

Tính đến sáng 8/5, theo công bố của Bộ Y tế, ổ dịch này có tổng cộng 75 bệnh nhân. Nghiêm trọng hơn, nhiều người nhà, bệnh nhân tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Nguồn lây được xác định từ một bệnh nhân từng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Điều đó chứng tỏ không chỉ bệnh viện này trở thành ổ dịch phức tạp nhất mà đã có sự lây nhiễm chéo sang các cơ sở y tế khác.

"Đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa biến chủng"

Chia sẻ với Zing ngay sau khi Bệnh viện K (Hà Nội) thông báo cách ly y tế cả 3 cơ sở do liên quan 10 ca dương tính với SARS-CoV-2, Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), nhấn mạnh: "Dịch lây lan sang Bệnh viện K, tình hình rất phức tạp".

Bác sĩ Nhung cho biết từ sau sự việc lây nhiễm SARS-CoV-2 ở hàng chục người bệnh, thân nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, dịch đang dần dần tiến sâu và xâm nhập đến nhiều cơ sở y tế khác như Bệnh viện K, Bệnh viện 105...

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đánh giá điều này hết sức nguy hiểm bởi tốc độ lây lan của virus rất nhanh và có sự lây nhiễm chéo giữa các bệnh viện.

"Sự lây lan giữa các bệnh viện, nhất là cơ sở y tế tuyến trung ương là điều chúng tôi lo lắng nhất. Ngay cả các bệnh viện khác như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Phổi Trung ương cũng phải tăng cường rà soát, phòng ngừa nguy cơ dịch lan rộng", bác sĩ Nhung chia sẻ.




Binh chủng hóa học mặc trang phục bảo hộ trước khi tiến vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khử khuẩn toàn bộ viện. Ảnh: Việt Linh.

Theo nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, các bệnh viện lớn thường có sự hợp tác, hỗ trợ và hội chẩn qua lại. Các bệnh nhân, nhất là người có bệnh lý nền cũng thường xuyên được luân chuyển giữa các cơ sở y tế.

Vì vậy, bác sĩ Khanh bày tỏ lo ngại khi Covid-19 đã lan sang Bệnh viện K. Chuyên gia này cho biết bệnh nhân ung thư có hệ miễn dịch yếu nên dễ bị virus tấn công.

"Đây cũng là bài học trong quản lý cách ly, người ra vào bệnh viện và minh chứng rõ ràng nhất cho câu chuyện một khi Covid-19 vào bệnh viện, mức độ lây nhiễm sẽ rất khủng khiếp", bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định.




Bệnh viện K cơ sở Tân Triều được khử trùng sau khi ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 là bệnh nhân, người nhà chăm bệnh. Ảnh: Việt Linh.

Chuyên gia này đánh giá đợt dịch này phức tạp hơn, khó lường hơn rất nhiều do xuất hiện đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa biến chủng. Điều đáng lo ngại là virus có chiều hướng cũng tấn công khoa hồi sức bệnh nặng.

Hà Nội cần cách ly y tế ở những vị trí trọng yếu

Chia sẻ với Zing, ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV (đoàn Bến Tre), cho biết việc phong tỏa, giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh là biện pháp quan trọng và cần thiết.

"Trong đợt dịch đang bùng phát tại TP. Hà Nội, để cân nhắc giải pháp giãn cách xã hội, chúng ta cần làm rõ mục đích là phong tỏa ở đâu, phong tỏa như thế nào. Tôi cho rằng giải pháp khoanh vùng hợp lý là cách ly y tế ở vị trí trọng yếu, từng khu vực nhỏ chứ không cần thiết phong tỏa hay giãn cách xã hội toàn thành phố. Đặc biệt, việc giãn cách tại Hà Nội cần cân nhắc hết sức đặc biệt", ông Nhưỡng nói.

Theo vị đại biểu này, chúng ta có thể cân nhắc giãn cách theo từng khu vực, địa phương để các cơ quan truy vết, khoanh vùng địa điểm nguy cơ. Chúng ta không nên giãn cách cực đoan và thụ động mà cân nhắc mức độ lây nhiễm, khả năng y tế của từng địa phương, cách ly y tế trong không gian hẹp và thời gian ngắn.




Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV (đoàn Bến Tre). Ảnh: Quochoi.vn.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng bên cạnh việc khoanh vùng toàn bộ khu vực nguy cơ tại các bệnh viện, xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế là giải pháp cấp thiết. Đặc biệt, các bệnh viện cần rà soát và sớm tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhân viên y tế tuyến đầu.

Các bệnh viện lớn tại Hà Nội lúc này cần nâng mức độ phòng dịch, trong đó có các cơ sở đầu ngành như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương... Ngoài ra, khi dịch xâm nhập, các bệnh viện cần nhanh chóng sàng lọc khoa, phòng có bệnh nhân nặng, chuyển họ đến khu vực an toàn.

Liên quan sự việc lây nhiễm tại nhiều bệnh viện lớn, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh không thể không bàn đến trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện. Khi đơn vị xảy ra sự việc nghiêm trọng, người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm chung.

Tuy nhiên, ông Nhưỡng cho rằng đối với việc lây nhiễm dịch bệnh, việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu rất khó.

"Có những trường hợp lãnh đạo đã chỉ đạo thực hiện mọi biện pháp để phòng, chống dịch nhưng bản thân nhân viên, người dân không chấp hành, bỏ trốn. Do đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà chúng ta xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Người ở bộ phận nào không thực hiện tốt thì có hình thức truy cứu trách nhiệm cụ thể", vị đại biểu quốc hội này cho biết.